Header Ads

Công nghệ mới sẽ giúp mọi người có thể ăn uống ngon lành trong môi trường thực tế ảo

Bữa ăn tối của bạn là một trò chơi thực tế ảo, cả một bàn tiệc đầy ắp thức ăn đang bày ra trước mắt đủ khiến bạn chảy nước dãi. Theo lẽ thường, bạn sẽ cảm thấy thất vọng mình mình chắc sẽ không ăn được những món ngon đó, nhưng đừng sớm lo lắng, bạn hoàn toàn có thể tiếp cận với đồ ăn, lè lưỡi ra và nếm hương vị của những món có trên màn hình. Quai hàm của bạn sẽ hoạt động để nhai và bạn sẽ cảm thấy thức ăn đang nằm trên răng của mình. Đó chính là những gì mà các nhà khoa học đang cố thực hiện thông qua một hệ thống được gọi là “thực phẩm ảo”.

Các thử nghiệm được tiến hành sẽ sử dụng các thiết bị điện để mô phỏng hương vị và cảm nhận tương tự như đồ ăn thật, ngay khi thật sự không có gì trong miệng của bạn. Kỹ thuật mới này hứa hẹn sẽ bổ sung thêm các cảm giác đầu vào đối với công nghệ thực tế ảo hiện tại, hoặc cũng có thể làm gia tăng trải nghiệm ăn uống trong đời sống thực, đặc biệt là đối với những người cần có chế độ ăn uống hạn chế cũng như những ai gặp các vấn đề về khả năng ăn uống.

Trước đây, đã từng có một số dự án thành công trong việc đánh lừa chúng ta nếm những thứ mà thật sự không tồn tại ở đó. Tiến sĩ Nimesha Ranasinghe tại Đại học Quốc gia Singapore đã tiến hành thử nghiệm một “cây kẹo kỹ thuật số” để mô phỏng các hương vị khác nhau, hay một chiếc thìa được chèn các điện cực vào đó với khả năng làm tăng vị mặn, chua, hoặc vị đắng của thực phẩm. Tuy nhiên, khuyết điểm trong thí nghiệm của ông là các kích thích từ điện lại tỏ ra kém hiệu quả hơn trong việc mô phỏng vị ngọt, so với các vị khác. Việc ‘số hóa’ loại vị này được cho là đóng vai trò đặc biệt quan trọng bởi tính hữu ích của nó, chẳng hạn như có thể giúp mọi người cắt giảm lượng đường có trong đồ ăn hoặc thức uống.

Do đó, Ranasinghe và đồng nghiệp của ông là giáo sư Ellen Yi-Luen Do đã bắt đầu thực hiện các thử nghiệm mới và thay bằng kích thích nhiệt. Dự án mới của họ đã được trình bày tại Hội nghị UIST 2016 diễn ra ở Tokyo (Nhật Bản), sử dụng sự thay đổi nhiệt độ để bắt chước vị giác của lưỡi đối với vị ngọt. Người dùng sẽ đặt lên đầu lưỡi của họ một thiết bị hình vuông chứa các bộ phận nhiệt điện, có thể làm nóng hoặc nguội một cách nhanh chóng, ‘cướp’ đi khả năng kiểm soát của các nơron nhạy cảm với nhiệt độ, yếu tố góp phần tạo nên các ‘mã’ khác nhau của hương vị.

Trong thử nghiệm đầu tiên, hệ thống hoạt động tốt đối với khoảng một nửa số người tham gia. Một số người cho biết họ cảm nhận được vị cay khi thiết bị ấm lên (khoảng 35°C) và cảm giác như vị the của bạc hà khi thiết bị giảm nhiệt độ xuống thấp (18°C). Ranasinghe và Do từ thành công ban đầu này đã hình dung về một hệ thống tương tự, sẽ được lắp vào trong một chiếc ly hoặc cốc để làm đồ uống ít đường trở nên ngọt hơn. Các thụ thể hương vị của bạn có thể được tác động bởi kích thích điện, nhưng thực phẩm không phải chỉ là vị, cấu trúc của nó cũng là một phần rất quan trọng.

Liên quan đến lĩnh vực này, một nhóm nghiên cứu thuộc trường Đại học Tokyo (Nhật Bản) đã giới thiệu một thiết bị sử dụng điện để mô phỏng trải nghiệm nhai thức ăn với các kết cấu khác nhau. Hệ thống được phát triển bởi 2 nhà khoa học Arinobu Niijima và Takefumi Ogawa cũng sử dụng các điện cực nhưng không đặt nó trên lưỡi, thay vào đó, họ đặt chúng ở cơ cắn (một loại cơ bắp ở hàm dùng để nhai) nhằm cung cấp cho người dùng các cảm giác về độ cứng hoặc mềm, dẻo, tương tự như cảm giác nhai thật. “Không có thức ăn vào miệng, nhưng người dùng vẫn sẽ cảm thấy như thể họ đang nhai một ít thức ăn, nhờ thông tin phản hồi xúc giác gửi về não bằng cách kích điện các cơ”, Niijima cho biết.

Tạo ra những cảm giác về cấu trúc của thức ăn thật sự không hề dễ dàng, đòi hỏi phải kích thích cơ bắp ở một tần số cao hơn, trong khi những xung điện mô phỏng đàn hồi tạo ra cũng phải kéo dài hơn. Niijima cho rằng hệ thống của họ có thể mô phỏng hiệu quả nhất kết cấu của kẹo dẻo. Giống như các công nghệ có liên quan đến tạo mùi vị, công nghệ mô phỏng kết cấu này cũng có thể giúp thay đổi cấu trúc thật sự của thực phẩm.

Tại UIST, những người tham gia được đeo các điện cực trong khi họ ăn bánh. Ranasinghe, người đã cố gắng tạo ra thiết bị cho biết hệ thống đã làm thay đổi kết cấu của bánh quy, làm cho nó trở nên cứng hơn hoặc dẻo hơn. Hiện cả hai dự án nêu trên vẫn còn đang trong giai đoạn thử nghiệm nhưng chúng có chung 1 mục tiêu là giúp đỡ những người phải tuân theo một chế độ ăn uống đặc biệt hoặc gặp các vấn đề về sức khỏe. “Có rất nhiều người không thể ăn thức ăn một cách thoải mái do hàm yếu, dị ứng và chế độ ăn uống”, Niijima nói. “Chúng tôi muốn giúp họ thỏa mãn ý thích của mình và tận hưởng cuộc sống của họ mỗi ngày”.

Ông cho biết nhóm nghiên cứu sẽ phát triển ý tưởng hơn nữa bằng cách hướng đến việc tác động đến các cơ ở xương hàm để tạo ra những kết cấu phức tạp hơn, và kết hợp các kích thích điện để tạo ra những cảm giác khác, chẳng hạn như âm thanh nhai. Ranasinghe cũng tiết lộ một bệnh viện ở Singapore đang có kế hoạch thực hiện nghiên cứu dài hạn với thìa điện cực nhằm giảm lượng natri trong cơ thể của những bệnh nhân cao tuổi. Nhiều người lớn tuổi sẽ bị mất cảm giác về mùi vị, và do đó, họ thích thưởng thức hương vị đậm đà hơn, nhưng việc thêm quá nhiều muối có thể sẽ gây ra các vấn đề về sức khỏe như cao huyết áp.

Và “thìa gia vị” chính là thứ có thể giúp giải quyết vấn đề này. Nếu tổng hợp tất cả các công nghệ nói trên vào một hệ thống duy nhất, công nghệ này một ngày nào đó sẽ được kết hợp cùng với một chiếc kính thực tế ảo, từ đó tạo ra một bữa ăn hoàn hảo mà không cần có bất kỳ món ăn nào thật. “Tôi nghĩ rằng lợi thế của công nghệ chính là tăng cảm giác đắm chìm trong thế giới ảo”, Ranasinghe nói. Một ví dụ được ông đưa ra là một phi hành gia trong tương lai có thể đeo kính VR vào, đưa mắt nhìn về phía Trái đất và thưởng thức ly cà phê ảo thơm lừng.

Nguồn: NewScientist

The post Công nghệ mới sẽ giúp mọi người có thể ăn uống ngon lành trong môi trường thực tế ảo appeared first on VR News.

Không có nhận xét nào